Với cô gái này, tình người ấm áp trong cơn hoạn nạn đã giúp cô cảm thấy được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống.
Tính đến ngày 19/3, Việt Nam ghi nhận 76 ca bệnh dương tính với Covid-19. Số ca nhiễm bệnh hầu hết xuất phát từ những người trở về từ châu Âu – du học sinh hoặc người nước ngoài đến Việt Nam vào thời điểm này.
Tuy nhiên, ngày 15/3, hãng hàng không duy nhất của Việt Nam có đường bay đến châu Âu đã thông báo tạm dừng các chuyến bay đón khách từ Anh, Pháp, Đức về nước để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.
Nhiều người đã về tới Việt Nam cảm thấy an tâm phần nào khi đã đặt chân lên đất mẹ, nhưng cũng có những người không kịp lên những chuyến bay cuối cùng. Một trong số đó có một cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân, cô chia sẻ cảm xúc hoảng loạn của mình khi bị kẹt lại ở tâm dịch Italy:
“Tôi bị kẹt ở biên giới Italy ngay trong vùng dịch. Một cựu sinh viên khóa 55 Kinh tế quốc dân. Từ nơi tôi ở tới tâm dịch Lombardy chỉ có ba giờ đi ô tô. Trước ngày biên giới đóng cửa và các chuyến bay từ Ý hoàn toàn bị hủy, tôi biết rất nhiều người đã chạy qua đây để bay về khắp mọi nơi trên thế giới. Các chuyến bay qua vùng trời này chưa bao giờ nhiều như vậy.
Mọi thứ diễn ra ở Châu Âu nhanh tới mức người ta nói với nhau rằng cả chiến tranh thế giới thứ 2 cũng không khiến người ta hoảng loạn tới như thế. Thông tin vô cùng hỗn loạn cả ở người địa phương và người dân nhập cư.
Nhưng khó khăn làm người ta xích lại gần nhau hơn, cộng đồng Việt Nam ở Châu Âu luôn có người trả lời những thắc mắc của mọi người đang hoảng loạn, sẵn sàng cưu mang những người ra sân bay rồi còn không thể bay. Lúc này mọi người chỉ còn một điều trong đầu, phải trở về quê mẹ bằng mọi giá. Không chỉ vì tránh dịch, mà vì mọi người có lẽ biết rằng trong cơn dịch bệnh này có chết cũng phải chết ở quê mẹ.
Tôi đã từng đi qua một trận siêu động đất ở Nhật, khi mọi thứ bắt đầu rung chấn, trong đầu tôi chỉ còn một điều đó là tôi cần phải gặp lại người mẹ của mình. Đứng trước cái chết và dịch bệnh, tất cả mọi người bỗng trở nên hèn mọn, nhỏ bé và vô vọng. Mẹ và tôi đã trả rất nhiều tiền cho những tấm vé để mang tôi về, nhưng rất nhiều chuyến bay đã bị hủy.
Mười tám giờ trước ngày có chuyến bay cuối cùng, chuyến bay mà tôi biết nếu tôi để lỡ sẽ không thể về Việt Nam được nữa, trường đại học của tôi phát hiện ca bệnh Covid-19. Một người bạn cùng lớp đã về thăm Ý trong kì nghỉ và giấu bệnh, sau đó vẫn đến lớp và sinh hoạt bình thường. Anh bạn này sau đó đã tự khỏi bệnh, nhưng đã kịp lây cho những học sinh khác.
Cho dù tôi đã nghỉ học được hai tuần và không gặp gỡ bất kì ai, nhưng cảnh sát vẫn yêu cầu tôi ở lại và cấm không được rời khỏi phòng. Thông tin nhanh chóng xuất hiện trên các mặt báo và truyền hình buổi tối chỉ trong một tiếng đồng hồ. Tôi hiểu là tôi không thể rời đi được nữa. Chuyến bay cuối cùng đã bay mà không có tôi.
Ở thời điểm ấy, tôi đang ở nhà của bạn trai. Anh ấy định sẽ đưa tôi tới sân bay theo như dự định bởi tàu đã bị hủy toàn bộ. Vậy là tôi bị kẹt ở một gia đình xa lạ và tôi không có cách nào rời khỏi đây được. Tất cả mọi người đều choáng váng khi nghe tin tôi sẽ phải ở lại đây. Tôi hiểu cảm giác của những người ở đây, họ chỉ mới gặp tôi và họ sẽ phải sống với tôi trong hàng tuần nữa sao?
Cảm thấy khổ sở rất nhiều, tôi đã rời vào phòng ngủ và khóc một mình. Sau một lúc thì anh ấy vào ôm tôi và nói: “Từ hôm nay đây cũng sẽ là nhà của em, gia đình anh cũng sẽ là gia đình của em, anh sẽ làm tất cả để giúp em thoải mái hơn khi ở đây. Chúng ta sẽ cùng vượt qua chuyện này”.
Tình người trong cơn dịch bệnh làm tôi cảm động quá mà không thể ngừng khóc. Tôi thậm chí còn không nói cùng ngôn ngữ với họ, mà họ vẫn cho phép tôi ở lại đây và chia sẻ ngôi nhà với tôi.
Lại một ngày nữa trôi qua, châu Âu lại có thêm hàng ngàn ca nhiễm mới, hàng trăm người tử vong. Nhưng hoa vẫn nở trên khắp các đồng cỏ và mùa xuân vẫn đến ngoài khung cửa. Mọi thứ rồi sẽ trở nên ổn hơn. Tôi cầu mong bình yên sẽ tới với toàn thế giới và mùa xuân sẽ chữa lành cho những tâm hồn rạn vỡ.”
(NEU Confessions)