Trong thời đại công nghệ ngày nay, ai có càng nhiều thông tin, tri thức càng có lợi thế. Trước hết hãy thay đổi tư duy bản thân về việc học, vì đó là một chuyến hành trình kéo dài trọn đời.
Ham học hỏi là một trong những kỹ năng cần thiết nhất để thành công trong thế kỷ 21. Trong thời đại luôn chuyển mình bởi công nghệ thông tin, chúng ta phải luôn sẵn sàng thích ứng nhờ khả năng tự học tập, tìm tòi.
Thế giới thay đổi liên tục, khả năng tập luyện một kỹ năng mới là điều hữu ích cho bản thân. Tin vui là bạn không cần phải là một thiên tài bẩm sinh để có khả năng học tập này.
Rất nhiều những người học giả uyên bác như: Charles Darwin, Leonardo da Vinci, Richard Feynman,…đều là những người vốn không có trí tuệ siêu phạm ngay từ đầu.
Bộ não của con người luôn có đủ khả năng để làm chủ một lĩnh vực mới. Miễn là có cách tiếp cận đúng, biết lên kế hoạch và áp dụng thường xuyên, chắc chắn ai cũng có thể thành thục bất kỳ kỹ năng nào
Nếu bạn muốn phát triển bản thân, thoát khỏi “vùng an toàn” bây lâu của mình, hãy áp dụng ngay 6 thói quen dưới đây:
Có thói quen đọc sách
Đọc là cách não vận động, giống việc bạn luyện tập thể dục cho cơ thể. Sách cho ta tự do khám phá về các chiều không gian, lịch sử nhân loại; cho ta như sống thêm những cuộc đời mới; đưa ra các ý kiến, quan điểm khác nhau giúp ta gặt hái thêm tri thức.
Đọc một cuốn sách sẽ kích thích sự kết nối các nơron thần kinh, khiến não bộ hoạt động và phát triển.
Trên thực tế, rất nhiều người thành công cũng cho rằng thành tựu học đạt được ngày hôm nay là nhờ thói quen đọc sách. Họ không coi việc đọc là công việc phải làm mà như một cơ hội để phát triển cuộc sống, sự nghiệp.
Những người thành công đều đọc rất nhiều sách: Elon Musk đọc hai cuốn sách một ngày, Bill Gates đọc hơn 50 quyển sách mỗi năm, Mark Zuckerberg dù bận rộn vẫn đọc ít nhất mỗi tuần 1 cuốn, Warren Buffett dành ra năm đến sáu tiếng một ngày để đọc 5 bài báo và 500 trang báo cáo tổng hợp.
Trong thế giới hiện đại, thông tin là nguồn kho báu quý giá và sách chính là một kho tàng dồi dào để học tập, tiếp cận nguồn kiến thức vô giá ấy.
Coi học tập là một quá trình
Học tập là một cuộc hành trình để khám phá tri thức mới, không phải một điểm đến cố định.
Đó sẽ là quá trình thú vị kéo dài trọn đời, một chuyến đi tự mình định hướng và tìm tòi. Để hiểu sâu về một vấn đề, ý tưởng hay tư duy mới mẻ nào đó, bạn không chỉ cần sự tập trung qun sát mà quan trọng hơn, mộ bộ óc tò mò.
Sonia Malik đến từ tập đoàn IBM viết: “Học vấn như một bộ sưu tập tri thức, từ những điều phức tạp cho đến điều nhỏ nhặt nhất. Để rồi sử dụng chúng thu nạp thêm những kỹ năng mới và áp dụng vào cuộc sống”.
Học tập là một khoản đầu tư xứng đáng, giúp bạn thu về được nhiều hơn những thứ phải bỏ ra. Hơn nữa, học tập là cách giúp bạn luôn thích nghi, đón đầu được những sự thay đổi trong thời đại mới.
Người thành công luôn quan trọng quá trình. Họ không bao giờ ngừng việc học tập hay có chán nản khi thất bại, điều họ luôn vươn tới là sự cải thiện, tiến bộ mỗi ngày.
Có tư duy cầu tiến
Thuyết tư duy tăng trưởng (Growth Mindset) của giáo sư Carol Dweck xoay quanh niềm tin của con người vào việc họ có thể phát triển trí thông minh và khả năng bản thân.
Alvin Toffler – nhà văn, nhà kinh doanh chia sẻ: “Những người mù chữ ở thế kỉ 21 không phải những ai không thể đọc và viết mà là những kẻ không học, quên đi những điều đã học và học lại”
Tư duy tăng trưởng sẽ giúp bạn tập trung vào những mục tiêu quan trọng, tác động đến động lực và sẵn sàng nắm lấy cơ hội, thời cơ phát triển khả năng bản thân.
Đây là khả năng giữ cho bạn một tư duy mở, sẵn sàng tiếp thu tri thức và biết áp dụng vào thực tiễn.
Truyền tải kiến thức cho người khác
Theo những nghiên cứu gần đây, mọi người có thể hấp thụ 90% kiến thức thông qua việc giải thích, trao đổi với người khác về vấn đề đó hoặc sử dụng ngay lập tức sau khi học.
Giảng giải cho người khác về điều bạn biết là một cách rất hiệu quả để học, ghi nhớ và ôn tập lại thông tin. Bằng cách này, bạn sẽ biết mình còn bị hổng kiến thức ở đâu, chưa hiểu rõ chỗ nào.
Mục đích cuối cùng của việc học là để truyền tải đến người khác. Bạn có thử phương pháp học một nửa, chia sẻ một nửa. Ví dụ, thay vì nghiên cứu hết cả cuốn sách, hãy học 50% và nhớ lại những thông tin trọng điểm, chia sẻ cho người khác hoặc viết xuống, sau đó mới hoàn thành nốt phần còn lại cuốn sách.
Chăm sóc cho não bộ
Hãy giữ cho bộ não của bạn thật khỏe mạnh. Những gì bạn làm hay không làm, đều ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan này.
Hãy ăn nhiều thực phẩm giúp làm chậm sự suy giảm nhận thức – quả việt quất, rau xanh (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh), ngũ cốc, nhận protein từ cá và các loại đậu và chọn chất béo không bão hòa (dầu ô liu) thay vì chất béo bão hòa (bơ).
Bộ não con người sẽ suy giảm các chức năng theo thời gian nếu không làm gì bảo vệ nó. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hãy chăm sóc cho não bộ của bạn trước khi có những dấu hiệu lão hóa.
Nghỉ ngơi điều độ
Theo các chuyên gia, những quãng nghỉ ngắn cách giúp tăng hiệu quả làm việc và mức độ tập trung. Leonardo G. Cohen – bác sỹ, tiến sỹ, một điều tra viên cao cấp tại Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia NIH chia sẻ: “Mọi người đều nghĩ học là phải luyện tập liên tục không ngừng nghỉ. Nhưng không biết rằng, việc nghỉ ngơi một cách điều độ cũng quan trọng không kém luyện tập trong việc học tập”
Các chuyên gia tại đại học bang Louisiana khuyến nghị nên làm việc trong 30 – 50 phút rồi thư giãn: “Ít hơn 30 phút là không đủ, nhưng hơn 50 phút là quá nhiều thông tin cho bộ não xử lý cùng một lúc”.
Theo Medium