Mọi chuyện không suôn sẻ với Microsoft khi họ làm Windows Phone hay Windows Mobile. Kể cả thương vụ mua lại mảng phần cứng của Nokia cũng tạch sớm và chẳng tạo được kết quả nào đáng kể. Nhưng thay vì từ bỏ hẳn mảng mobile, Microsoft giờ chơi một chiếc lược thông minh hơn rất nhiều: Android và iOS tốt + có đông người dùng hả? Ok, tôi sẽ nhảy vào chơi chung với hai nền tảng, để người dùng hai nền tảng mobile có thể kết hợp nó với máy tính của mình ngon lành hơn, tôi sẽ bán dịch vụ của mình cho những người dùng này trong khi tôi chẳng cần tốn xu nào để xây dựng hệ sinh thái cả vì mọi thứ đã sẵn sàng.
Windows 10 mới hỗ trợ cực tốt cho Android và iOS
Chiến lược mới này của Microsoft thể hiện rất rất rõ trong hội nghị BUILD 2017 đang diễn ra. Có những tấm hình lớn cho thấy những chiếc Surface nằm cạnh iPhone và Galaxy S8, các công cụ để xây dựng app cho iOS và Android cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Và còn có cả màn giới thiệu iTunes sẽ được mang lên Windows Store nữa chứ. Tất cả đều là những thứ chưa bao giờ xuất hiện tại BUILD, trước đây ở sự kiện này Microsoft chỉ toàn nói về Microsoft, còn giờ họ nói về cả Android, cả iOS, và tất cả mọi nền tảng trong tương lai mà công ty có thể đặt chân lên.
Từ một công ty đã từng chê bai, dè bỉu iPhone, giờ đây Microsoft đã khác hẳn. So với cựu CEO Steve Ballmer vốn bảo thủ hơn và muốn dành những thứ tốt nhất cho riêng Windows, CEO mới Satya Nadella có hướng đi cởi mở vô cùng và ông chấp nhận sự thật rằng ông sẽ không bao giờ cạnh tranh lại với Android và iOS nếu muốn kiếm tiền từ mảng mobile. Ở BUILD 2017, Nadella nhấn mạnh rằng ông không chỉ muốn Windows có thể làm việc được với các nền tảng bên ngoài, mà còn mang những chức năng từ Windows 10 sang các nền tảng này “để làm cho chúng trở nên tốt hơn”. Cũng là chiến lược mobile cả thôi, nhưng anh em có thể thấy là cách tiếp cận rất khác giữa hai nhà lãnh đạo.
Và nếu là lập trình viên, bạn sẽ rất “sướng” khi biết Microsoft ra mắt chuẩn XAML 1.0. Chuẩn này cho phép sử dụng 1 loại ngôn ngữ để viết ra giao diện phần mềm cho những app Windows, iOS, Android. Chỉ 1 ngôn ngữ duy nhất cho mọi nền tảng, đó là ước mơ từ rất lâu của cộng đồng developer. Hiện cũng đã có một số giải pháp khác làm được chuyện này, ví dụ React Native do Facebook xây dựng, và Microsoft cũng đủ thông minh để hỗ trợ luôn cả React Native luôn. Công sức để viết ra những ứng dụng đa nền tảng giờ giảm đi rất nhiều, dễ bảo trì hơn về sau, và dễ nâng cấp khi cần.
Đó là chưa kể tới hàng loạt tính năng mới có thể chơi chung với Android và iOS của bản cập nhật Windows 10 Fall Creatorssắp tới. Story Maker – một app làm phim Microsoft mới phát triển – cho phép bạn xài điện thoại Android và iOS để chụp hình, quay phim rồi sau đó edit tiếp trên máy tính Windows 10 (bạn làm ngược lại cũng được). Timeline – chức năng theo dõi những ứng dụng đã chạy trong thời gian gần đây – có thể kết hợp với Cortana để bạn khôi phục lại nội dung đang xem trên thiết bị Android hoặc iOS của mình.
Chưa hết nha, ngôn ngữ thiết kế Fluent Design mới của công ty không chỉ áp dụng được cho app Windows 10 mà còn có thể xài cho các ứng dụng đa nền tảng nữa. Nếu mang lên iOS thì giao diện trong mờ đã quá quen thuộc rồi, còn nếu mang lên Android thì tính ra Fluent vẫn chia sẻ nhiều nét tương đồng với Material Design, ví dụ như cách sắp xếp các lớp giao diện khác nhau, cách chọn màu, cách tôn lên nội dung hci1nh của app, hay cách sử dụng bóng để tạo chiều sâu chẳng hạn.
Vì sao lại như thế? Vì người ta sẽ mua một cái điện thoại Android hay iOS, nhưng máy tính vẫn là Windows
Joe Belfiore là giám đốc mảng Windows của Microsoft, ông từng là gương mặt đại diện cho Windows Phone, Windows 10, và bây giờ là cho cả hệ sinh thái này. Ông vừa quay trở lại làm việc sau 1 năm đi du lịch với gia đình trên khắp thế giới. Hơn bao giờ hết, ông vô cùng hứng thú với những gì đang làm và hướng đi mới của Microsoft.
Belfiore đưa ra một tình huống mà ông xem là cơ bản: bạn là một người dùng máy tính Windows, nhưng đó không phải thiết bị duy nhất của bạn. Bạn còn có ít nhất một cái điện thoại, và đôi khi có thêm tablet nữa. CEO Nadella còn dự đoán rằng đến thời điểm nào đó mỗi người sẽ có trung bình 6 thiết bị sử dụng thường xuyên, và Microsoft biết chắc không phải cái nào cũng chạy Win. Thay vì cố gắng chinh chiến và đem Win lên tất cả những thiết bị này, Microsoft muốn cải thiện trải nghiệm của người dùng dù cho họ có đang xài máy của ai đi nữa thì vẫn sẽ thích, và sẽ hài lòng nhờ vào các công cụ của MS. Điều này có ích hơn cho cả MS lẫn người dùng thay vì cố bán cho khách hàng 1 cái điện thoại chạy Win.
Nhìn xa hơn một tí, việc hỗ trợ Android, iOS là cách Microsoft khóa bạn vào hệ sinh thái của hãng, và đáng sợ hơn, hệ sinh thái đó bao trùm luôn của Android và iOS. Hãy tưởng tượng khi bạn đã quen với chức năng chuyển data giữa điện thoại với máy tính, hay bạn đã quen với việc xem web trên điện thoại rồi đọc tiếp ngon lành trên PC thì bạn sẽ mê những giải pháp MS đưa. Tới một lúc nào đó, bạn sẽ không còn khả năng bứt ra khỏi hệ sinh thái này nữa. Cũng giống Apple hiện tại, các máy macOS và iOS kết hợp với nhau quá tốt nên khi bạn chuyển sang xài Windows thì bạn không còn cảm thấy thoải mái, hay như rất nhiều người không bỏ iPhone vì họ cần FaceTime để nói chuyện với bạn bè chẳng hạn.
Chiến lược thu hút và giữ chân người dùng này vô cùng thông minh. Không cần dồn dập, không cần hoành tráng, mà Microsoft chiếm lấy sự yêu thích của khách hàng từ những cái nhỏ nhỏ mà họ sử dụng hằng ngày. Đây cũng là con đường đúng đắn để tiến tới tương lai người ta không chỉ cần Windows mà còn thích và yêu Windows. Tầm nhìn này được Nadella nhắc tới một năm trước, và tài năng của ông cho thấy Microsoft đang dần dần làm được chuyện đó.
Ở vai trò của mình, Microsoft đang làm ra những cây cầu để kết nối nhiều nền tảng với nhau, và họ sẽ hưởng lợi bằng cách tăng nhận diện thương hiệu, ràng buộc người dùng vào hệ sinh thái Microsoft, thu tiền từ các dịch vụ đám mây (Office 365 là ví dụ dễ thấy nhất). Với hàng trăm triệu người đang xài máy Android và iOS, chỉ cần lấy được mỗi người 1-2$ / tháng thôi là đã thành công lớn so với việc chỉ bán được vài chục nghìn chiếc điện thoại Windows.
Rồi khi người ta mua một cái điện thoại mới, khách hàng biết chắc rằng cái smartphone này dù là iPhone hay Galaxy hay HTC hay LG thì nó vẫn chạy ngon với chiếc Surface ở nhà, không có gì cần lăn tăn. Hay khi mua máy tính mới, anh ấy có thể mạnh dạn chọn mua chiếc Surface, một cái HP hoặc một cái máy Dell mới mà không lo mất tính tương thích với điện thoại đang xài. Microsoft bán được bản quyền Windows và cả phần cứng, đối tác của Microsoft bán được hàng, người dùng có đồ tốt để xài, đối thủ của Microsoft cũng bán được điện thoại. Đây là một tình huống win – win – win – win.
“Tất nhiên chúng tôi vẫn cạnh tranh với Apple, chúng tôi vẫn cạnh tranh với Google, với Oracle hay Box. Nhưng chúng tôi cũng chia sẻ khách hàng với họ, và chúng tôi phải làm sao để người dùng cảm thấy tiện và thoải mái nhất – chúng tôi phải tiếp cận được khách hàng không quan trọng là họ đang ở nền tảng nào”, người phát ngôn của Microsoft cho hay.
Sắp tới Microsoft sẽ lại làm điện thoại, chính CEO của công ty đã tiết lộ thông tin này, nhưng không có nghĩa là công ty sẽ đáng thẳng vào những chỗ mà Apple và Google đang mạnh. Có lẽ nó sẽ hướng vào khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn, và thị trường tiêu dùng thì MS chẳng lo vì họ đã có chiến lược mobile khác rồi. Một chiến lược thông minh, hấp dẫn hơn, và có lợi hơn cho tất cả mọi bên.