Doanh nghiệp phá sản, nhân sự lao đao, thu nhập mong manh và các món nợ tài chính khổng lồ, chỉ vì sự xuất hiện của dịch bệnh. Đây quả là một kịch bản mở màn năm 2020 tồi tệ mà chẳng ai có thể lường trước.
01. Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp mong manh, thu nhập trống rỗng
Là một nhân viên bộ phận kinh doanh, Trương Hồng, 30 tuổi vốn cũng là một nửa trụ cột tài chính cho gia đình. Thu nhập mỗi tháng của chị trung bình vào khoảng 15 – 20 triệu đồng, tùy vào số hợp đồng thu về.
Thế nhưng thời gian gần đây, người dân hạn chế đi lại và tiếp xúc, công việc kinh doanh ế ẩm, doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn lại còn bị buộc phải cho các nhân viên nghỉ ở nhà để phòng chống dịch bệnh.
Trước kia, Trương Hồng từng làm việc tại một vài công ty lớn có tiếng. Tuy áp lực và cạnh tranh cực kỳ lớn nhưng ưu điểm của họ là luôn sòng phẳng tuyệt đối với nhân viên. Nếu bạn xứng đáng được nhận 100, vậy họ sẽ trả cho bạn đủ 100, đảm bảo không ít hơn lấy một đồng. Ở thời điểm khó khăn, công ty cũng có thể trụ vững được một thời gian, có thể tạm thời che gió chắn mưa cho nhân viên. Chưa bao giờ chị phải đối mặt với nguy cơ công ty phá sản.
Thế nhưng, trong năm gần đây, Trương Hồng đã nhảy việc sang một đơn vị khác. Công ty có quy mô không lớn, tổng số nhân sự cũng chỉ khoảng vài chục người, nhưng không khí và môi trường làm việc thì rất thoải mái vui vẻ. Mọi người đều thân thiện, hòa đồng, hợp tác công việc đội nhóm cũng rất dễ chịu.
Bản thân chị cũng nhận được nhiều sự trợ giúp, hướng dẫn tận tình từ lãnh đạo và đồng nghiệp xung quanh. Chỉ sau một thời gian, chị đã đủ bản lĩnh để trở thành leader đứng đầu một nhóm nhỏ. Ở thời điểm đó, Trương Hồng cho rằng mình đã đi đúng hướng.
Điều bất ngờ xảy ra ngay từ đầu năm 2020. Sau kỳ nghỉ Tết dài, thế giới đối mặt với dịch bệnh bùng phát. Tất cả đều được nhấn nút tạm dừng, cả công ty và mỗi cá nhân ở đó cũng vậy. Nghỉ ở nhà hàng chục ngày liền, lần đầu tiên Trương Hồng cảm thấy lo lắng cho sự tồn tại của công ty, cũng như tương lai của chính mình.
Không giống các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lâu đời, có nguồn tài chính dự trữ phong phú, các đơn vị vừa và nhỏ như công ty của chị chỉ có thể tồn tại khi không ngừng lao động và sản xuất ra giá trị. Trong thời điểm tất cả ngồi yên trong nhà như thế này, mỗi ngày trôi qua, cơ hội sống còn lại càng mong manh hơn.
Một cuộc họp trực tuyến được tổ chức. Vấn đề mà chị Trương lo ngại nhất cũng đã xảy ra: Công ty đối mặt với nguy cơ phá sản. Bây giờ, đồng cam cộng khổ cùng công ty “một nghèo hai trắng” đi qua giai đoạn này hay tự kiếm kế sinh nhai cho bản thân trở thành một nan đề khó giải.
Công ty thông báo sẽ chỉ có thể trả lương 2 tháng một lần, mỗi lần một nửa. Một nửa còn lại sẽ phải đợi đến lúc mọi người đi làm trở lại mới có khả năng thanh toán nốt. Như vậy, sẽ có những thời điểm mà cả tháng ròng, chị không có một đồng thu nhập nào cả. Trong khi gia đình vẫn phải nuôi, cuộc sống vẫn phải ăn phải mặc.
Lãnh đạo công ty cũng phân tích cho mỗi người về thị trường, hoàn cảnh và những khó khăn sẽ phải đối mặt hiện nay, cũng đề nghị mọi người có thể tự tìm một lối thoát tốt hơn khi có điều kiện.
Trên thực tế, tình hình suy giảm không bỏ qua bất cứ ai nên dù đi đâu, những khó khăn phải đối mặt cũng không hề thua kém. Chưa kể các công ty đang trong quá trình cắt giảm nhân sự, muốn thay đổi công việc trong thời gian này không hề dễ dàng.
Dù biết rằng để duy trì một doanh nghiệp nhỏ, tất cả ban lãnh đạo và mọi người đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực suốt thời gian này, nhưng chị càng hiểu rằng, những nỗ lực đó chẳng thể đem lại giá trị nào đặc biệt cả. Cuối cùng, sau cuộc họp trực tuyến kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, Trương Hồng quyết định mình sẽ phải bắt đầu một hành trình mới.
Đưa ra quyết định xong, chị gọi cho một vài người bạn ở chung hoàn cảnh để hỏi:
“2 tháng nay không đi làm, anh có trả lương cho nhân viên của mình không?”
Có người bảo: “Không trả đâu. Công ty anh tính lương theo giờ làm việc thực tế mà. Chính vì thế nên mấy ngày nay anh lo quá. Tiền thuê mặt bằng vẫn phải chi trả đều, trong khi doanh thu không có. Chẳng biết đến khi đi làm trở lại, còn bao nhiêu nhân sự ở lại nữa đây.”
Có người thì trả lời: “Tôi vẫn trả nhưng chỉ ngang bằng mức lương cơ bản thôi, nói chung là đủ để mọi người sinh hoạt trong một thời gian, chứ tôi cũng gánh nhiều áp lực lắm”.
Có người lại đáp: “May mà trước Tết có nhiều nhân sự nhảy việc rồi. Số nhân viên còn lại chỉ lác đác vài người, tôi còn có khả năng chi trả được. Sau này đi làm lại thì chuẩn bị tuyển thêm là vừa”.
Có lẽ dịch bệnh lần này chính là một tấm gương phản chiếu khó khăn của mỗi người, cũng chiếu ra trái tim thật lòng của họ. Nếu nguyện ý, bạn có thể lan tỏa sức mạnh sẻ chia. Một trợ lực nhỏ trong thời điểm khó khăn nhất cũng trở thành yếu tố cốt lõi quyết định sống còn của một người.
02. Gánh nặng tài chính nhân đôi khi bệnh tật ập đến, tiết kiệm = 0
Không như kinh tế thị trường chịu ảnh hưởng gián tiếp từ dịch COVID-19, chính các bệnh nhân đối mặt với virus nguy hiểm này mới phải chịu nhiều tác động trực tiếp. Một tình huống éo le đã xảy ra với nữ bệnh nhân nhiễm Corona tại Mỹ.
Theo tạp chí Times, Danni Askini là người đang điều trị bệnh lymphoma (ung thư hạch bạch huyết) thì cảm thấy đau ngực, hụt hơi, đau nửa đầu. Sau đó, khi cô tới bệnh viện để khám và xét nghiệm thì mới biết mình bị COVID-19.
Điều đáng nói vài ngày sau quá trình nhập viện và điều trị, Danni Askini đã nhận được tổng hóa đơn xét nghiệm và điều trị là 34.927 USD, tương đương với hơn 800 triệu VND.
Askini không có bảo hiểm khi nhập viện. Cô còn đang có kế hoạch chuyển nhà và tạm thời không có công việc. Vậy nhưng, nếu phải chi trả khoản phí này, cô sẽ phải gánh trên vai một món nợ khổng lồ mà có lẽ phải mất hàng chục năm mới có thể chi trả hết.
Vậy là, chỉ sau một thời gian, vì sự xuất hiện của virus, hàng trăm hàng nghìn công ty nhỏ bị đóng cửa, kéo theo đó là vô số người trở nên thất nghiệp, đánh mất thu nhập cá nhân. Với những ai không may mắn nhiễm bệnh, họ còn phải đối mặt với áp lực kinh tế lớn từ chi phí xét nghiệm và điều trị, chưa kể tới các biến chứng về sức khỏe sau này.
Đây quả là một kịch bản “tồi tệ” để mở màn năm 2020 mà không ai có thể lường trước. Và chỉ những người đã có nền tảng, biết tích lũy và tiết kiệm, mới có thể “đóng cửa ngủ đông” chờ đại dịch qua đi trong thời gian này.
Còn bạn, nếu ngày mai công ty phá sản, bản thân mất việc, số tiền tiết kiệm có thể nuôi sống bạn trong bao lâu?
Dương Mộc
Theo Trí thức trẻ