Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng, các freelancer và các công ty nhỏ đang tìm mọi cách để xoay sở trang trải cho cuộc sống.
Ngồi giữa một đống nến trong tư thế chó duỗi người, Meegan Bradley – một giáo viên yoga 34 tuổi – đang hướng dẫn lớp học gồm 30 người của mình học cách duỗi cơ và thư giãn. Đây là lần đầu tiên cô hành nghề mà không ngồi trong lớp học. Thay vào đó, Bradley live-stream qua ứng dụng Zoom trong khi học sinh của cô luyện tập tại nhà.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh phải đóng cửa tạm thời. Trong bối cảnh chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới ban bố lệnh cách ly xã hội hoặc hạn chế đi lại, thu nhập của nhiều freelancer và chủ kinh doanh đã giảm đi đáng kể. Tình hình khẩn cấp này buộc nhiều công ty nhỏ và các freelancer như Bradley phải chuyển sang làm online.
“Các lớp học bị hủy khoảng 1 tuần trước. Mọi người tạm dừng mọi loại thẻ thành viên của mình”, Bradley – chủ của cơ sở Hotpod Yoga – cho biết. “Việc đó diễn ra rất nhanh. Tôi buộc phải tạm khóa khoảng 250 thẻ thành viên. Trong lúc tôi hoảng loạn, bạn đời của tôi đã tìm ra một giải pháp mới – kinh doanh trực tuyến”.
Được khách hàng ủng hộ thông qua Instagram, email và Facebook, Bradley đã ngay lập tức mở một trang web mang tên meeganbradley.com. Cô cho học viên 3 lựa chọn: livestream các lớp học yoga với giá 2-8 bảng Anh, tạo một series video trên mạng, hoặc dạy online 1-1 với giá khoảng 30 bảng Anh.
Tuy nhiên, việc dạy online này không thể bù đắp nổi cho các giờ học trực tiếp. “Cách này không thể bù lại được số tiền mà chúng tôi bình thường vẫn kiếm”, Bradley cho biết. “Tình hình rất đáng buồn, nhưng tôi vẫn đang cố làm việc năng suất và che giấu sự lo lắng của mình”.
Jack Wallington (38 tuổi) điều hành một công ty thiết kế sân vườn ở London. Anh cho biết, Covid-19 đã khiến phần lớn các dự án phải hủy hoặc hoãn lại. “Tôi chỉ mới bắt đầu kinh doanh 2 năm trước. Dù khởi đầu đầy may mắn với một vài khách hàng sẵn sàng chi hậu hĩnh, tôi không có đủ tiền để chống đỡ qua hết mùa dịch”, anh nói.
Vì thế, Wallington đã nhanh chóng tìm kiếm giải pháp thay thế. Giờ đây, anh gặp gỡ khách hàng và tham quan khu vườn của họ bằng cách gọi video trực tuyến. Anh cũng cố gắng tạo ra những nguồn thu nhập mới, chẳng hạn như mở lớp dạy trồng rau củ quả cho những người tò mò.
“Đây là chủ đề mà tôi cực kỳ hứng thú vì tôi biết nó sẽ giúp mọi người. Làm vườn cũng là cách hay để xua tan sự nhàm chán trong những ngày tự cách ly tại nhà”, Wallington nhận xét.
Dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi khiến người làm kinh doanh buộc phải chuyển sang kiếm tiền thông qua các nội dung trên nền tảng dạy học trực tuyến. Có rất nhiều chủ đề để người xem tham khảo, từ quản lý tài khoản mạng xã hội, nhiếp ảnh cho đến viết code, rèn luyện thể chất.
“Đây là thời điểm khó khăn để kinh doanh, nhưng nhiều người kinh doanh vẫn giữ liên lạc với khách hàng bằng cách xây dựng các khóa học trực tuyến của riêng mình”, Andrea Merson – Giám đốc Marketing của nền tảng dạy học trực tuyến Thinkific – nhận xét.
Theo Llibert Argerich – Phó Giám đốc Marketing của nền tảng dạy học trực tuyến Udemy, tốc độ tăng trưởng của công ty này đã tăng lên mức 2 chữ số tại các quốc gia mà mọi người dành phần lớn thời gian ở nhà. “Những chủ đề được mọi người quan tâm nhất là quản lý thời gian hoặc phát triển bản thân”, ông cho biết.
Suzanne Vaughan (36 tuổi) hiện đang là người sáng lập và giám đốc một công ty chuyên tổ chức các sự kiện sáng tạo. Cô cố gắng lạc quan và chủ động trong thời điểm dịch bệnh này.
“Chỉ sau một đêm, mọi sự kiện đã bị hủy. Vì thế, nếu không thay đổi bây giờ, chúng tôi sẽ phải đóng cửa mãi mãi”, cô cho biết.
Tuần trước, Vaughan bắt đầu sử dụng studio – nơi mà cô vẫn hay tổ chức workshop – để dạy học trực tuyến. Cô sẽ dạy trẻ con học hát hoặc hướng dẫn các gia đình hành thiền chánh niệm với giá từ 2-7 bảng Anh.
“Chúng tôi chọn nền tảng trực tuyến để ai cũng có thể tham gia và kết nối với những người khác”, Vaughan giải thích. “Cộng đồng mạng đem lại cảm giác chúng ta vẫn kết nối với nhau như những con người”.
Theo Vaughan, dù giải pháp này không thể đem lại lợi nhuận như bình thường, đây vẫn là một cách “tiếp tục duy trì studio và trang trải chi phí mặt bằng. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể tiếp cận được cả đối tượng không hay đến lớp”.
Bác sĩ Shirin Lakhani (44 tuổi) là người sáng lập viện thẩm mỹ Elite Aesthetics. Dù vẫn mở cửa bình thường, cô đã chuyển sang tư vấn cho khách hàng trên nền tảng trực tuyến.
“Mọi người liên tục hủy hẹn, nhất là các khách hàng có tuổi – đối tượng được khuyên nên ở nhà”, Lakhani cho biết. “Công việc của tôi đòi hỏi phải gặp mặt trực tiếp nên tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi còn lo lắng cho sức khỏe của nhân viên và bệnh nhân hơn. Hiện tại tôi chỉ tư vấn qua video thông qua FaceTime hoặc WhatsApp”.
Dù vậy, cô vẫn khá lo lắng về viễn cảnh tương lai. “Tôi không nghĩ có thể kéo dài tình hình này, bởi phần lớn khách hàng của tôi cần tiêm hoặc liên lạc trực tiếp”.
Theo Alasdair Hutchison – Giám đốc Phát triển chính sách tại Hiệp hội Kinh doanh độc lập và Tự làm chủ tại Anh, mọi người trên toàn thế giới đang cố gắng thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh mới.
“Hầu hết các freelancer và các hộ kinh doanh đều được trang bị kỹ năng để làm việc từ xa. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có 9/10 freelancer làm việc từ xa hoặc tại nhà mỗi năm. Những người này đã có kinh nghiệm gọi video hay chia sẻ tài liệu trực tuyến”, ông cho biết. Dù vậy, Hutchinson cũng thừa nhận rằng không phải ngành nghề nào cũng có thể làm việc từ xa.
Tuy nhiên, chẳng thể phủ nhận rằng việc chuyển đổi sang làm việc trực tuyến đã đem lại những lợi ích nhất định. “Tôi không còn phải giới hạn số thảm được trải trong phòng tập”, Bradley cho biết. “Trong buổi học đầu tiên, tôi có 30 người tham gia và đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Canada. Điều đó thật tuyệt vời”.
Làm thế nào để xây dựng một khóa học trực tuyến hiệu quả?
Để có thể tạo một khóa học trực tuyến, bạn cần sở hữu một kỹ năng có thể dạy cho người khác, chẳng hạn như làm bánh, marketing và thiền. Mục đích khóa học phải thật cụ thể: thay vì “làm thế nào để học thiền”, bạn nên dạy “cách thiền để giảm stress trong thời điểm dịch Covid-19”. Nhờ đó, người học sẽ biết tại sao mình nên tham gia khóa học này.
Một khi đã có ý tưởng, hãy chọn một cái tên đơn giản và sử dụng công cụ tìm kiếm để tối ưu hóa nó. Bạn sẽ muốn mọi người Google từ khóa liên quan đến tên khóa học của bạn, nhờ đó mà khóa học của bạn sẽ được biết đến nhiều hơn.
Bạn cũng nên chia sẻ lời khuyên và mẹo vặt trên mạng xã hội về lĩnh vực của mình, nhờ đó tạo dựng niềm tin trong lòng khách hàng. Nếu bạn thiết lập được quan hệ với những người theo dõi mình, họ sẽ đọc hết tất cả các thông tin mà bạn chia sẻ về lĩnh vực đó. Như vậy, bạn đã tự thu về cho mình một nhóm khách hàng tiềm năng.
Bạn nên trình bày khóa học của mình dưới dạng văn bản và video, vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Chia các thông tin ra thành các phần và chủ đề khác nhau, tạo thành một bài giảng đơn giản nhưng đủ thông tin và dễ tiếp nhận.
Bạn cũng cần suy nghĩ kỹ về giá cả của mỗi khóa học: quá thấp sẽ làm giảm giá trị thương hiệu, nhưng quá cao thì khách hàng sẽ không mua hoặc kỳ vọng rất nhiều. Trong trường hợp khóa học của bạn không xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, những người tham gia sẽ “một đi không trở lại” thay vì tiếp tục khóa học sau đó. Ưu đãi cũng là thứ bạn nên cân nhắc để kích thích khách hàng tham gia.
(Theo The Guardian)