Thử thách, khó khăn là điều giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn. Không có chúng, con người ta không thể trưởng thành và tự rèn giũa bản thân.
Bài học về sinh tồn
Một người đàn ông tìm thấy chiếc kén bướm và mang về nhà. Bỗng hôm nọ, chiếc kén động đậy và xuất hiện một cái lỗ nhỏ. Anh ta ngồi quan sát quá trình chú bướm cố gắng chui ra từ cái lỗ đó.
Thế rồi, con bướm dừng chuyển động, có vẻ nó đã bị mắc kẹt. Vì muốn nhìn thấy chú bướm xinh đẹp, người đàn ông quyết định giúp lôi nó ra. Anh lấy kéo và cắt một chút để mở rộng cái lỗ. Con bướm chui ra nhưng đôi cánh có vẻ yếu ớt, mỏng manh.
Người đàn ông lại ngồi
chờ chú bướm dang rộng đôi cánh để bay lên, nhưng chuyện đó không bao
giờ xảy ra. Con bướm không bao giờ có thể bay, nó chỉ có thể bò với cơ
thể ốm yếu và đôi cánh nhỏ nhoi.
Dù có lòng tốt muốn giúp con bướm thoát ra, người đàn ông đã không hiểu, muốn cất cánh bay lên, chú bướm phải trải qua quá trình khó khăn tự thoát khỏi chiếc kén của mình. Đó là cách chuẩn bị cho sự sinh tồn một khi những chú bướm ra khỏi vỏ bọc của mình.
Bài học: Thử thách, khó khăn là điều giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn. Không có chúng, con người ta không thể trưởng thành và tự rèn giũa bản thân. Vì vậy, hãy tự mình vượt qua, đừng nhờ cậy hay trông chờ ai giúp đỡ.
Bài học về sự tức giận
Có một cậu bé với tính khí vô cùng cáu kỉnh.
Bố cậu đưa một chiếc túi đựng đầy đinh và nói: “Một lần mất bình tĩnh,
con hãy đóng một chiếc đinh lên hàng rào”.
Ngày đầu tiên, cậu đóng 37 chiếc đinh lên hàng rào.
Dần dà, cậu bé học được cách kiểm soát cơn nóng giân, số lượng đinh cũng thế giảm đi dần.
Cậu nhận ra rằng, kiềm chế sự bực tức đơn giản hơn việc đóng đinh nhiều. Cho đến một ngày, cậu không phải đóng một chiếc đinh nào lên hàng rào.
Cậu vui mừng thông báo với bố, người bố bèn bảo cậu: “Hãy gỡ những chiếc đinh xuống mỗi ngày con kiểm soát được cơn tức giận”.
Ngày qua ngày, cậu bé nói với bố đã có thể gỡ hết những chiếc đinh xuống.
Người bố trìu mến nhìn đứa con và chỉ lên bờ rào: “Tốt lắm con trai. Nhưng hãy nhìn lên những lỗ hổng trên hàng rào kia, chúng không còn nguyên vẹn như cũ. Khi con nói điều gì đó gây tổn thương cho người khác, chúng cũng để lại những vết thương lòng như nhưng lỗ hổng kia. Khi đã dùng dao đâm người khác, cho dù có nói lời xin lỗi bao lần, vết thương vẫn ở đó, không bao giờ biến mất”.
Bài học: Hãy kiểm soát cơn nóng giận, đừng nói điều gì gây tổn thương trong lúc bực tức, bạn sẽ phải hối hận về sau. Có những điều trong đời, một khi đưa ra sẽ không thể lấy lại.
Bài học về sự thay đổi
Có một cô gái nọ rất căm ghét bản thân vì cô bị mù, không thể nhìn như bao người khác. Thế nhưng, cô rất yêu thương người bạn trai của mình, vì anh luôn bên cạnh giúp đỡ cô. Cô nói, nếu có thể nhìn, cô nhất định sẽ lấy anh.
Một ngày, ai đó đã quyên tặng giác mạc cho cô gái, vậy là cô đã có thể nhìn mọi ngời, và cả người bạn trai. Người bạn trai hỏi cô: “Em đã có thể nhìn ngắm thế giới, em sẽ lấy anh chứ?”.
Thế nhưng, cô gái đã bất ngờ khi thấy rằng: người bạn trai của mình bị mù. Cô khước từ lời cầu hôn. Người bạn trai rất buồn bã, anh bỏ đi và viết cho cô lá thư: “Chăm sóc cẩn thận đôi mắt của anh”.
Bài học: Khi môi trường, hoàn cảnh thay đổi, con người cũng đổi thay. Một số người sẽ không coi trọng những giá trị của quá khứ, không nhìn nhận, đánh giá chúng như cũ để chạy theo những điều phù du.
Bài học về sự thấu hiểu
Một cửa hàng thú nuôi đặt tấm biển ghi: “Bán chó”.
Những tấm biển như vậy rất thu hút, đặc biệt với bọn trẻ. Không có gì bất ngờ, một cậu bé đến và hỏi chủ cửa hàng: “Bác bán bao nhiêu một con ạ?”
Chủ cửa hàng trả lời: “Từ 30 đến 50 đô la”.
Cậu bé lấy xấp tiền trong túi và nói: “Cháu chỉ có 2.37 đô. Liệu cháu có thể nhìn qua chúng được không?”.
Người chủ cười và thì thầm với cô giúp việc. Một lúc sau, cô từ trên tầng ôm xuống một chú chó nhỏ, và để chú chó chạy đến chỗ cậu bé.
Ngay lập tức, cậu bé để ý dáng đi khập khiễng của chú chó và hỏi: “Có chuyện gì với nó thế ạ?”.
Người bán hàng giải thích: thú ý đã khám và cho biết chú cho bị tật ở chân. Nó sẽ đi khập khiễng như vậy cả đời, không thể chạy nhảy như các con khác.
Thế nhưng, cậu bé không hề chán nản, mà ngược lại, cậu vui mừng la lên: “Đó là chú chó cháu luôn muốn có”.
Người chủ nói: “Ồ, vậy ta sẽ cho cháu mà không lấy một xu”.
Nghe vậy, cậu bé tức giận và nói: “Cháu không muốn vậy. Chú chó đó vẫn như những chú chó khác, đáng giá như tấm biển treo ngoài kia. Bây giờ cháu chỉ có 2,37 đô nhưng cháu sẽ trả 50 xu mỗi tháng cho đến khi đủ thì thôi”.
Người chủ ngạc nhiên nói: “Cháu thật sự muốn con này sao, nó sẽ không thể chạy nhảy như những con bình thường”.
Trước sự bất ngờ của cả cửa hàng, cậu bé kéo một ống quần lên, để lộ một chiếc chân giả. Cậu bé nhẹ nhàng trả lời: “Cháu cũng không thể chạy nhảy được, chú chó cần một người thấu hiểu”.
Bài học: Hãy nhìn nhận người khác trong hoàn cảnh của họ.
Bài học về tình yêu thương
Trong một gia đình nọ, người cha đang phạt con
gái 3 tuổi của mình vì lãng phí giấy gói quà. Kinh tế gia đình đang gặp
khó khăn, vì vậy, ông tức giận khi thấy đứa bé cố bọc gói quà cho mùa
Giáng sinh.
Mặc dù vậy, sáng hôm sau, em mang gói quà đến trước mặt cha và nói: “Chúc mừng Giáng sinh, đây là quà cho bố”. Người cha xấu hổ khi nhớ lại hành động của mình, nhưng rồi bất ngờ khi thấy bên trong hộp quà trống rỗng.
Ông hỏi: “Khi con tặng quà cho ai đó, bên trông cần chứa đồ vật chứ?”. Cô bé nhìn cha, và nói: “Không bố ơi, nó không trống đâu, bên trong chứa đầy những nụ hôn con dành cho bố đấy”. Người bố cảm động, ông không biết làm gì ngoài ôm lấy đứa con và xin lỗi.
Cuộc đời vốn nhiều biến cố, một tai nạn bất ngờ đã cướp lấy sinh mạng người con không lâu sau đó.
Người cha vẫn luôn giữ gìn cẩn thận chiếc hộp của con. Mỗi khi nhớ con hay gặp khó khăn, ông lại lấy chiếc hộp ra và cảm nhận được tình yêu thương của con đã gửi gắm.
Bài học: Tình yêu thương là món quà quý giá nhất.
An Phương
Theo Nhịp sống kinh tế