Ai cũng biết tiết kiệm là tốt, nhưng không phải ai cũng rõ tiết kiệm bao nhiêu là đủ.
Không phải cứ kiếm tiền là ai cũng sẽ trở nên
giàu có. Giá trị tài sản ròng mới là thứ quyết định bạn có thực sự giàu
có hay không, chứ chẳng phải thu nhập bạn có được mỗi tháng. Do đó, bạn
vẫn phải biết tiết kiệm, đầu tư và quản lý các khoản nợ của mình một
cách khôn ngoan nếu muốn tích lũy của cải.
Thế nhưng, tiết kiệm bao nhiêu là đủ? Dưới đây là 9 dấu hiệu cho thấy bạn chưa tiết kiệm đủ số tiền cần thiết để trở nên giàu có.
Chỉ vừa đủ để trả hóa đơn hàng tháng
Nếu số tiền bạn có chỉ đủ để tiêu xài cho các nhu cầu cơ bản, bạn sẽ chẳng để dư thêm được đồng nào. Sống dựa vào mỗi khoản tiền lương mỗi ngày sẽ chẳng thể giúp bạn trở nên giàu có.
Giải pháp: Bạn có hai lựa chọn: kiếm nhiều tiền hơn hoặc tiêu ít đi. Nếu chọn cách 1, bạn hãy thay đổi lối sống của mình, đề xuất tăng lương hoặc làm thêm nghề tay trái. Nếu chọn cách 2, hãy tham khảo chiến lược của những người đã nghỉ hưu sớm. Bạn sẽ cần phải giảm thiểu những khoản chi tiêu lớn nhất của mình, chẳng hạn như tiền nhà, tiền xăng xe hoặc tiền thức ăn.
Tự nhủ mình sẽ tiết kiệm nhiều có thêm thu nhập
Đây là một trong những câu kinh điển mà mọi người thường lừa dối bản thân, theo Patrice C. Washington – tác giả cuốn “Real Money Answers for Every Woman”.
“Cách bạn sử dụng 100 USD cũng là cách bạn sử dụng 100.000 USD”, cô nói. “Bạn không thể thay đổi thái độ, hành vi và thói quen của mình. Vấn đề không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở việc bạn có kỷ luật trong chi tiêu hay không”.
Washington cũng cho biết, “khi tôi kiếm được nhiều hơn” không phải là thời điểm cụ thể. Muốn tiết kiệm, bạn phải hành động một cách cụ thể và nhanh chóng.
Giải pháp: Đừng chờ tới năm sau, tới lúc tốt nghiệp, tới dịp sinh nhật… rồi mới tiết kiệm. Hãy nghĩ khoản tiết kiệm đó như một chi phí cố định – là một thứ bạn phải trả hàng tháng, giống như tiền thuê nhà và cước điện thoại – trước khi nghĩ tới việc ăn ở ngoài và các mong ước khác. Bạn có thể đăng ký tiết kiệm tự động, chuyển thẳng một phần lương vào tài khoản tiết kiệm. Như vậy, bạn sẽ không còn bị cám dỗ phải tiêu tiền nữa.
Chưa tiết kiệm cho tuổi hưu
Tuổi hưu còn lâu mới đến, nhưng bạn vẫn phải tiết kiệm cho nó ngay từ bây giờ. Càng tiết kiệm muộn, bạn sẽ chính là người phải chịu thiệt thòi.
Giải pháp: Có nhiều hình thức khác nhau để tiết kiệm cho tuổi gia, nhưng dù bạn chọn cách này cũng nên bắt tay từ sớm. Nhiều chuyên gia sẽ khuyên bạn để dành ít nhất 10% tổng thu nhập cho quỹ hưu trí. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn tiết kiệm 1% mỗi tháng, đừng chần chừ mà hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.
Không chuẩn bị tiền cho những chi tiêu lớn
Tiết kiệm cho tuổi già là việc hệ trọng, nhưng bạn cũng phải chú ý đến những khoản khác. Nếu muốn có con, mua nhà, tốt nghiệp hay đi nghỉ, bạn sẽ cần đến một số tiền rất lớn, không thể kiếm ngay trong một khoản thời gian ngắn.
Giải pháp: Hãy xác định đâu là những thứ quan trọng với mình và bạn muốn tương lai của mình ra sao. Đây là những cách dễ nhất để bạn thiết lập các mục tiêu tiết kiệm. Sau đó, bạn phải biết mình muốn tiết kiệm bao nhiêu, trong khoảng thời gian bao lâu và cần mức lãi suất như thế nào để các khoản đầu tư tăng trưởng đủ để đạt các mục tiêu đó.
Đối với những mục tiêu ngắn hạn, hãy mở các tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao, hoặc mở nhiều tài khoản trong cùng một ngân hàng để đáp ứng những khoản chi tiêu đặc biệt.
Chưa bắt đầu đầu tư
Đầu tư được xem là cách hữu hiệu nhất để làm giàu. Càng đầu tư sớm, bạn lại càng có lợi nhờ vào lãi kém. Nếu không có đủ tiền để đầu tư, điều này có nghĩa là bạn chưa tiết kiệm đủ.
Giải pháp: Tiết kiệm cho quỹ hưu trí cũng là một cách đầu tư. Nhưng nếu bạn muốn tham gia chuyên sâu hơn, hãy thử nghiên cứu các loại hình đầu tư phức tạp khác, chẳng hạn như quỹ đầu tư theo chỉ số – một phương pháp truyền thống được tỷ phú Warren Buffett khuyến khích.
Thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp
Thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp là một trong những bước đi quan trọng nhất mà bạn phải thực hiện nếu muốn trở nên giàu có, trừ khi bạn đang ngập trong nợ nần. Nếu chưa có khoản này, bạn vẫn thực sự chưa tiết kiệm đủ.
Giải pháp: Thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp càng sớm càng tốt. Rất nhiều chuyên gia, trong đó có tỷ phú John Paul DeJoria, đều đồng tình rằng ai cũng nên có một khoản dự phòng đủ dùng trong 6 tháng. Bạn có thể gửi tiết kiệm số tiền này với mức lãi suất 2% hoặc hơn cho tới lúc cần dùng tới chúng.
Chi 30% thu nhập cho tiền nhà
Nếu bạn thực sự muốn tích lũy của cải, đừng bỏ ra quá 30% số thu nhập sau thuế của mình để thuê nhà.
Giải pháp: Thay vì chọn một ngôi nhà to nằm ngoài khả năng chi trả của mình, bạn nên chọn một không gian bé hơn nhưng vẫn đủ thoải mái. Nếu quyết định mua nhà hay căn hộ mới, hãy đặt ra một mức giá giới hạn và tuân thủ nó. Bạn cũng nên tính cả chi phí phát sinh khi mua nhà và cộng thêm các khoản đó vào ngân sách của mình.
Không theo dõi các chi phí
Hầu hết chúng đều biết mỗi tháng tài khoản của mình có bao nhiêu tiền, nhưng lại không rõ mình đã tiêu hết bao nhiêu. Đây chính là thứ mà chúng ta có thể cắt giảm để tiết kiệm.
Giải pháp: Một khi bạn đã biết nên cắt giảm những khoản nào, hãy dùng số tiền dư ra cho vào quỹ hưu trí. Qua thời gian, số tiền được tích lũy này sẽ lớn dần và giúp bạn có thêm rất nhiều tiền.
Không thể thanh toán số dư thẻ tín dụng nhiều hơn mức tối thiểu
Nếu không thể thanh toán số dư thẻ tín dụng nhiều hơn mức tối thiểu hàng tháng, bạn đang chi tiêu quá tay và dễ ngập trong nợ nần. Cứ tiếp tục như vậy, con đường tiết kiệm của bạn sẽ càng trở nên khó khăn. Bạn nên cố gắng trả hết các khoản nợ thẻ tín dụng để bảo vệ điểm tín dụng và tránh xa nợ nần.
Giải pháp: Bớt một phần tiền trong ngân sách của bạn hoặc cắt giảm chi tiêu để có thêm tiền trả nợ tín dụng. Càng để lâu, bạn sẽ càng nợ nhiều khi lãi suất tăng. Điều này có thể khiến bạn nợ nhiều hơn mức bạn vay ban đầu
Ngọc Hà
Theo Trí thức trẻ