Cha mong con chuyên tâm học hành, không phải muốn thành tích hơn người, mà là ta hy vọng tương lai của con sẽ có quyền được lựa chọn, chọn công việc có ý nghĩa, có thời gian, chứ không phải bạt mạng để kiếm sống.
01
Huawei từng gây chấn động các trang mạng xã hội một thời với tin tức đã tuyển dụng được 8 nhân viên có học hàm tiến sĩ với mức lương lên đến 6 tỷ một năm. Nhiều người cho biết họ đáng được nhận mức lương đó, đây chính là quy luật khắc nghiệt của thị trường, và điều này càng chứng tỏ Huawei là công ty coi trọng học thức.
Vì sao 8 vị tiến sĩ đó lại có được mức lương mà người thường mơ cũng không thấy, vậy bạn hãy xem thành tích của họ thì sẽ rõ. Họ đều là tốt nghiệp từ những trường học danh tiếng. Trong quá trình học tập, đã có những công trình nghiên cứu nổi bật, có ứng dụng thực tiễn.
Nhưng điều khiến mọi người chú ý tới, là trong 2 trong 8 người có xuất thân bần nông nghèo khó. Thông qua nỗ lực học tập, họ đã thay đổi cuộc đời của mình, thực hiện bước nhảy vọt, giúp đỡ gia đình thoát khỏi cái nghèo.
Từng xem một bộ phim và có một câu thoại tôi rất thích: “Nghèo đói giống như bệnh di truyền, gia tộc của chúng ta truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đời này tôi chỉ có một nguyên vọng duy nhất là con trai tôi sẽ không trở thành một tên trộm”.
Đây có thể là tiếng lòng của rất nhiều gia đình nghèo khó ngày nay, nếu bản thân không có cách để thay đổi vận mệnh cũng chỉ hy vọng đời sau có thể thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Nhưng sống trong thế giới có pháp luật trị an, bạn không thể dựa vào trộm cướp, càng không thể mộng tưởng đến một đêm mà thành người giàu. Vũ khí duy nhất để thay đổi, chỉ có học tập mà thôi, kiến thức bản thân mới giúp bạn trở nên đáng tiền.
Trên thế giới này, không tồn tại cái chỉ cần nằm không là có tiền, cũng không có chuyện cái nghèo cứ bám riết, chỉ có tiếp tục phấn đấu, đời mình chưa giàu, thì con cháu mình giàu. Mà học tập như một ngọn hải đăng, chiếu sáng những con người nghèo khổ đang nỗ lực tiến vào bờ.
02
Đừng nói học tập không có tác dụng chỉ là bạn vô dụng.
Cô em họ tôi được ăn học đàng hoàng nhưng lười biếng, suốt ngày chỉ đi theo đám du côn chơi bời lêu lổng, chưa học hết cấp 2 đã đi lăn lộn ở ngoài, chưa đến 20 tuổi thì làm mẹ.
Ở cái tuổi này khi bạn bè đồng trang lứa đang cố gắng trên giảng đường đại học, thì cô em họ tôi ngày ngày quanh xó bếp, chăm chồng, tay cắp nách con, lại còn ra ngoài làm bạt mạng kiếm tiền nuôi mấy miệng ăn.
Nghe bảo cả gia đình mới chuyển vào Nam đi làm công nhân cho xí nghiệp. Nghe cô tôi kể, bây giờ nó quay ra trách vì không có học lực nên không tìm được việc đàng hoàng, không kiếm được nhiều tiền.
Hai vợ chồng vì cơm áo gạo tiền thường xuyên cãi nhau, vốn dĩ cả hai không có học vấn, cũng không có tay nghề nên chẳng kiếm được việc nào ra hồn. Mới 20 tuổi mà cô em họ đã trông như một bà cô.
Cô gái ấy, có thể oán trách xuất phát điểm của mình thấp, xã hội bất công, nhưng đã phải tự thừa nhận mình đã không học hành đàng hoàng và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Không học thức, không tay nghề, sao có thể sống những ngày tháng tốt đẹp được.
Có nhiều người thích nói kiểu mỉa mai như: “Học để làm gì, chẳng phải rất nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp không có việc làm đấy thôi”
Nhưng bạn không thấy ư, rất nhiều tấm gương có hoàn cảnh nghèo khó, nhờ học hành đỗ chăm chỉ mà tiền đồ rộng mở.
Học tập có thể không bảo đảm bạn sẽ đứng ở đỉnh cao, nhưng dám chắc bảo đảm bạn không bị bỏ lại ở phía sau, học cao học rộng chính là bước chuyển ngoặt của cuộc đời mỗi người.
03
Xuất phát điểm tuyệt đối không phải là vạch đích
Dù bạn đã nỗ lực rất nhiều nhưng chưa đuổi kịp người khác. Nhưng nếu bạn từ bỏ cuộc đua thì thế giới sẽ chẳng quan tâm đến nước mắt của bạn đâu.
Hồi còn học ở Trung Quốc, chứng kiến một câu chuyện cảm động của một nữ sinh đại học Thanh Hoa, một trong những đại học hàng đầu Trung Quốc. Trong buổi lễ tốt nghiệp, cô bé thay mặt cho toàn thể sinh viên đứng lên phát biểu.
Xuất thân từ gia đình nghèo khó, trước khi thi đại học chưa bao giờ rời khỏi ngôi làng nhỏ, tất cả về thế giới muôn màu mà cô bé biết chỉ thông qua sách vở.
Ngày nhập học, với số tiền 5000 tệ người trong làng quyên góp, lần đầu tiên được ngồi tàu hỏa, lần đầu được đến Bắc Kinh, lần đầu được nhìn thấy trường đại học. 4 năm đại học, vừa đi học vừa đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chưa kể các môn chuyên ngành có lượng kiến thức khá nặng. Vậy là cứ đều như vắt chanh, 5 giờ sáng dạy tranh thủ học, 6 giờ sáng đến căng tin trường làm thêm.
Cô gái quê nhỏ bé ấy, dùng 4 năm để gột rửa những tự ti mang trên mình bấy lâu, trong bài diễn thuyết cô bé kiên định nói với mọi người
Thanh Hoa đã bồi dưỡng chúng tôi trở thành người mang sứ mệnh trên vai, theo đuổi những lý tưởng. Bố mẹ hy vọng tôi phải uống nước nhớ nguồn, bạn bè mong tôi làm được công việc bản thân muốn. Dù xuất phát điểm của bản thân không giàu có, nhưng vận mệnh nằm trong tay tôi.
Cái gọi là xuất phát điểm thấp khó giúp con thành tài chỉ là suy nghĩ của người không cầu tiền, đáng sợ hơn là bạn không đủ nỗ lực, dũng cảm, chỉ biết than thân trách trời.
Học hành không thể thay đổi tất cả, nhưng đối với nhiều người bình thường mà nói, học lực vẫn là con đường ngắn nhất để thay đổi số phận.
Một vị tác gia từng viết một bức thư gửi con trai, trong đó có một đoạn mà tôi rất thích.
Con trai! Cha mong con chuyên tâm học hành, không phải muốn thành tích hơn người, mà là ta hy vọng tương lai của con sẽ có quyền được lựa chọn, chọn công việc có ý nghĩa, có thời gian, chứ không phải bạt mạng để kiếm sống.
Khi công việc có ý nghĩa với con, con sẽ cảm nhận được những giá trị. Khi công việc cho con thời gian, con có sự tôn nghiêm. Giá trị và tôn nghiêm sẽ đem lại cho con niềm vui. Học tập chính là con đường ngắn nhất để ta thay đổi số mệnh.
Nói cho cùng, đại học có thể mang đến cho bạn sự tôn nghiệm và quyền được lựa chọn. Ở đó có thể không phải là thiên đường, nhưng ở đó có một kho tàng cơ hội, không bước vào sợ rằng chiếc phao thay đổi số phận bạn cũng không thể nắm được.
Học vấn cao chưa chắc đem lại cho bạn một mức lương cao, nhưng không học có lẽ bạn mất đi cơ hội để có một cuộc sống tốt hơn.
Theo Thanh Hải
Trí thức trẻ