Khi điện thoại bạn có 100% pin, bạn sẽ thấy 1-2% không quá quan trọng. Nhưng nếu điện thoại bạn chỉ có 10% thì sao? Giá trị của đồng tiền trong những lúc ốm đau, dịch bệnh thật ra cũng tương tự như vậy.
Tháng 2 vừa qua, tại ngã ba đường sắt Bắc Kinh
– Quảng Châu và tỉnh Hồ Bắc, một sĩ quan cảnh sát phát hiện hai người
đàn ông đeo hành lý đi bộ trên đường sắt. Khi tiến tới nói chuyện, vị
cảnh sát biết được rằng, vì các phương tiện giao thông công cộng ngừng
hoạt động, hai người này đang cố gắng rời Hồ Bắc bằng việc đi bộ để tới
Thâm Quyến làm việc. Khi được tìm thấy, họ đã đi liên tục 7 tiếng đồng
hồ.
Một tin tức khác cũng đề cập tới tình hình một vài người dân Hồ Bắc sử dụng bè gỗ để vượt sông Trường Giang, mong tới được Giang Tây.
Phần bình luận bên dưới những thông tin này đều tràn ngập lời chì chiết, trách mắng người dân chạy loạn, rước thêm phiền phức trong thời điểm mấu chốt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với những người này, họ không mạo hiểm vượt sông, bỏ cả ngày dài đi bộ chỉ để lây nhiễm bệnh tật cho xã hội. Tất cả những việc họ làm chỉ để cố giữ lại kế sinh nhai cho bản thân mà thôi. Nếu không vì miếng cơm manh áo, có ai muốn ra ngoài đối mặt với hiểm nguy?
Ở những khu vực khác, có người an nhàn ở nhà phòng tránh virus, nhưng vẫn có không ít người phải ra đường kiếm sống. Không ít những biện pháp bảo hộ “quá đà” cũng được nghĩ ra như dùng nilon, bình đựng nước, áo mưa, thậm chí mặc đồ cosplay thú bông để phòng hộ… Đằng sau sự khôi hài, mỗi hình ảnh đều khiến người ta không khỏi chua xót.
Có người nói rằng, nếu đã sợ như vậy thì sao không ở nhà, còn đi làm làm gì, tiền có thể quan trọng hơn mạng sống hay sao?
Thế nhưng, không đặt mình vào vị trí của người ta, làm sao bạn có thể hiểu được những áp lực mà họ đang gánh? Nếu không đi làm, tiền nhà đang trả góp ai sẽ đóng? Tiền ăn, tiền uống, tiền điện, tiền nước… của cả nhà mấy miệng ăn, ai sẽ là người trả? Nếu ở nhà có cơm no áo ấm, nước đến há miệng, cơm đến giơ tay, ai còn muốn ra ngoài mạo hiểm nữa?
Có chăng, vì hiện thực bức ép, người ta mới buộc phải chấp nhận. Thế giới có được mấy người sinh ra ở sẵn vạch đích, đại đa số mọi người nỗ lực cả đời cũng chỉ vì hai chữ “mưu sinh” tạm thời mà thôi.
Chúng ta an toàn ngồi trong nhà, nói cho họ nghe về tình hình dịch bệnh, nhưng lại không thể giúp họ trả tiền thuê nhà, các tiện ích tiêu dùng cùng ba bữa mỗi ngày. Đó chính là sự thật.
Có không ít những trường hợp tương tự bày tỏ ý kiến :
“Áp lực cuộc sống lớn hơn nhiều so với nỗi lo sợ về bệnh viêm phổi mới. Gia đình chúng tôi ở Thâm Quyến, thu nhập chính đến từ công việc lái taxi. Thế nhưng dịch bệnh khiến cho mọi người không còn dám ra đường nữa. Dù mỗi ngày đánh xe mấy vòng thành phố, tôi cũng chẳng kiếm được đồng nào. Trong khi đó, tiền thuê nhà vẫn phải trả đều đặn. Rau cỏ thịt cá trong siêu thị cũng ngày càng đắt. Nếu không tiếp tục ra ngoài kiếm sống, trước khi ra đi vì bệnh, chắc chúng tôi đã đói quá mà chết rồi”.
“Tôi là mẹ đơn thân, một thân một mình thuê nhà trên thành phố nuôi con. Trước kia, tôi có thể mở quầy hàng ngoài chợ đêm để buôn bán nhỏ, kiếm chút tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho trẻ em. Thế nhưng từ khi dịch bệnh nổ ra, tôi đã phải ở nhà trông con 15 ngày rồi. Rốt cuộc bao giờ dịch bệnh này kết thúc đây? Nhà tôi sắp không còn gạo mà ăn rồi….”.
Có người thoải mái sống mà không cần lo lắng, vì họ chưa biết rằng, không phải ai cũng có công việc an nhàn, chỉ cần ngồi trước máy tính hoặc điện thoại.
Có người cảm thấy ổn định và an toàn trong nhà, vì họ chưa biết rằng, không phải ai cũng có đủ tiền trong tay mà không cần ra đường lao động.
Có người không thể hiểu nổi, tại sao vẫn phải ra đường trong khi nguy cơ lây nhiễm cao đến thế, vì họ chưa biết rằng, thế giới của người trưởng thành không bao giờ có lựa chọn dễ dàng.
Lấy ví dụ như, nếu pin điện thoại của bạn chỉ còn 10%, lại không có nơi nào để sạc thêm, mất đi 1-2% cũng vô cùng đáng quan ngại. Nhưng nếu điện thoại của bạn đã sạc đầy 100%, thì 1-2% đó có còn quan trọng hay không?
Trả lời được câu hỏi này, bạn cũng sẽ có được câu trả lời cho gánh nặng cuộc sống. Một vài chục nghìn đồng có thể không là gì với bạn. Đó là do bạn chưa bao giờ nghèo, nên bạn không thể hiểu.
Khi bạn có đủ một lượng tiền nhất định, tự nhiên bạn sẽ thấy đồng tiền không phải là tất cả. Nhưng khi bạn không có gì, đồng tiền lại có thể là cả cuộc sống, thậm chí, quan trọng hơn cả cuộc sống.
Trong dịch bệnh, bạn nằm nhà chơi điện tử, xem tivi, nghịch điện thoại, đương nhiên bạn sẽ không hiểu tại sao vẫn có người ra đường đi làm, buôn bán. Khi bạn ngủ đủ giấc mỗi ngày, bạn sẽ không hiểu tại sao có người thao thức cả đêm không chợp mắt nổi vì lo lắng ngày mai không được đi làm. Khi kim không đâm vào bạn, bạn sẽ không bao giờ hiểu được nỗi đau. Dù có cố tưởng tượng, đó cũng chỉ là sự phỏng đoán phiến diện mà thôi. Do đó, đừng tự cho mình vị thế “suy nghĩ cho người khác” rồi vội vã chỉ trích, phán xét bất cứ điều gì.
Như nhân vật Great Gatsby trong cuốn sách nổi tiếng cùng tên đã nói: “Bất cứ khi nào bạn định chỉ trích người khác, hãy nhớ rằng, không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều có những lợi thế mà bạn đang có”.
Bạn không hiểu tại sao người ta bất chấp nguy hiểm chỉ vì vài đồng lương mỗi tháng. Tỷ phú Bill Gates cũng không thể hiểu được tại sao bạn lại lãng phí mấy giây cuộc đời để cúi xuống nhặt 100 đô-la Mỹ đánh rơi.
Vì vậy, trong tình hình khó khăn này, đừng khiến áp lực trên lưng người khác nặng hơn gấp bội bởi sự phán xét và đổ lỗi của mình. Bất kể bạn là ai, bạn đang ở vị trí nào. Tất cả mọi người đều đã quá mệt mỏi để tìm cách vượt qua tình thế khó khăn rồi.
Dương Mộc
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp