Không tụ tập đông người hay đi ra ngoài, nhiều dịch vụ online hoặc phục vụ tại nhà được người dân lựa chọn trong thời gian dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.
Dịch vụ cắt tóc tại nhà trong dịch Covid-19
Ngành thời trang, làm đẹp cũng đang chật vật vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi những nhu cầu tiêu dùng cơ bản và thiết yếu được ưu tiên hơn. Ngoài ra, việc thắt chặt chi tiêu, ở nhà tránh dịch của người dân cũng khiến nhu cầu làm đẹp giảm đáng kể.
Hai tuần nay Minh Hà (sinh năm 1993, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) đã nghỉ việc ở nhà vì tiệm cắt tóc nơi anh làm việc đóng cửa vì dịch Covid-19. Đây là một trong 41 tiệm tóc cùng hệ thống đang chung tình trạng giảm lượng khách liên tục từ đầu năm và lên tới 40% vào đầu tháng 3.
Một vài nhân sự tại các bộ phận dịch vụ hóa chất hay gội đầu của tiệm tóc đã nghỉ việc, một số luân phiên đi làm để kiếm thêm thu nhập theo khối lượng công việc hoàn thành.
“Từ đầu tháng 2 thì lượng khách khá ổn nhưng tháng 3 thì không hề ổn định, đến tầm 17/3 thì vắng hẳn. Trong khi trước đó, mỗi ngày, lượng khách đông đến mức luôn phải xếp hàng chờ cắt tóc hoặc nhuộm tóc”, Hà cho biết.
5 năm làm nghề tóc, chưa khi nào anh thấy công
việc khó khăn như đợt dịch Covid-19. Có những ngày, tiệm tóc vắng hoe,
ngoài nhân viên thì không có thêm một ai. Điều này khiến cho thu nhập
của nhân viên cửa hàng giảm tới 50%.
Như Hà, là thợ cắt chính, mức lương chưa đầy 5 triệu đồng khiến anh gặp không ít khó khăn khi chi tiêu, nhất là ở Hà Nội, chi phí thuê nhà và tiền sinh hoạt đắt đỏ.
Một tuần nay, Hà nhận cắt tóc tại nhà với mức giá 40.000 đồng/người, miễn phí cho trẻ nhỏ. Bất cứ khách gọi điện đặt lịch vào giờ nào anh đều nhận vì giờ thời gian làm việc không cố định.
Để tránh di chuyển xa khỏi khu dân cư, Hà đăng thông tin nhận cắt tóc tại nhà lên diễn đàn chung cư nơi anh đang thuê trọ. Mỗi ngày, Hà có thể kiếm được từ 160.000 – 200.000 đồng nhờ làm dịch vụ này.
Mặc dù công việc vẫn phải tiếp xúc với người lạ, nhưng Hà cho biết, so với làm việc tại cửa hàng trước đây thì lượng tiếp xúc không nhiều, bản thân cũng đã chuẩn bị kỹ các đồ bảo hộ phòng dịch nên cũng yên tâm phần nào.
“Công việc mưu sinh thì vẫn phải làm, miễn là mình cẩn thận, không di chuyển đi quá nhiều là được. Thời gian cắt tóc cũng chỉ dao động từ 20-30 phút/người. Nếu dịch còn kéo dài, nghỉ lâu quá thì tay nghề cũng mòn đi nên mình vẫn làm việc. Tuy nhiên, nếu diễn biến phức tạp thì mình cũng sẽ cân nhắc không đi cắt tóc nữa”, Hà tâm sự.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều người lao động và doanh nghiệp đã buộc phải chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh khác hoặc thay đổi phương thức kinh doanh để cầm cự, giữ khách quen chờ ngày hoạt động ổn định trở lại.
Thay đổi phương thức bán hàng để vượt “bão”
Hai ngày nay, kể từ khi Hà Nội có thông báo đóng cửa các hàng quán kinh doanh không thiết yếu để phòng chống dịch, chị Hoài An, quản lý trưởng hệ thống kinh doanh bánh mì trên đường Nguyễn Phong Sắc cho biết, cửa hàng đã tạm ngừng phục vụ khách ăn tại quán và chỉ bán hàng mang đi.
Mặc dù trước đó, đặc thù hàng ăn nhanh là khách mang hàng đi, song cửa hàng cũng bị giảm ít nhất 30% khách ăn trực tiếp. Không để hụt quá nhiều doanh thu, Hoài An đã đăng ký bán hàng online, đặt và vận chuyển hàng qua đơn vị trung gian.
Để phòng tránh dịch triệt để, cửa hàng đã hạ cửa cuốn phía ngoài cửa hàng, chỉ để hở 1 khe nhỏ vừa để khách hoặc tài xế công nghệ tham khảo thực đơn, đặt và nhận hàng.
“Chúng tôi không nhận đơn hàng ồ ạt, tránh tình trạng người vận chuyển tập trung trước cửa hàng và cũng luôn nhắc nhở khách hàng nếu đứng quá gần nhau hoặc không đeo khẩu trang thì sẽ từ chối phục vụ. Đây là mùa dịch, không thể chủ quan”, Hoài An cho biết.
Thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn, song Hoài An cho biết, không phải không có khách là chấp nhận buông xuôi, trong thời gian này, chị và nhiều người vẫn luôn cố gắng suy nghĩ các phương án phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh.
Cũng như Hoài An, anh Huỳnh Minh Trí, chủ cửa hàng đồ trẻ em tại phố Duy Tân, Cầu Giấy vừa bán hàng vừa kiêm luôn công việc ship hàng gần 1 tháng nay. “Hiện tại, nếu thêm chi phí vận chuyển thì mỗi đơn hàng không lãi được bao nhiêu. Nhân viên kho trước đây làm việc này cũng nghỉ rồi nên giờ mình kiêm luôn”, Trí chia sẻ.
Đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại trên toàn thế giới và hoạt động chung của mọi ngành nghề và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê từ Savills cho thấy, doanh thu của các nhà hàng trong tháng 2 đã giảm đến 50%.
Hàng loạt hàng quán trả mặt bằng, đóng cửa vì vắng khách, lại chịu áp lực chi phí mặt bằng, hàng hóa. Dự báo thị trường sẽ có sự sắp xếp lại sau khi dịch đi qua, bởi các quán ăn nhỏ lẻ đã đóng cửa rất nhiều.
Theo Hoàng Linh
Báo Dân sinh